Tin xem nhiều
Thư viện lời nhạc
File trình chiếu Thánh lễ
THỐNG KÊ WEBSITE
|
Giáo lý viên, bạn là ai?Các GLV cần quan tâm một số hoạt động thiết yếu như tích cực tham gia các khóa huấn luyện và thường huấn dành cho GLV; nhiệt tình tham gia, hiệp thông, đồng trách nhiệm với hàng giáo sĩ và tu sĩ để thi hành tác vụ rao giảng của Hội thánh tại địa phương; can đảm dấn thân trong vai trò tông đồ giáo dân, để trở thành muối, men và ánh sáng
1. Giáo lý viên và khái niệm về giáo lý
Trước hết, ta tìm hiểu khái niệm cơ bản về giáo lý là gì. Theo LM Nguyễn Văn Tuyên, trong cuốn “Sư phạm giáo lý” thì Giáo lý (hay Huấn giáo) là trình bày Lời Thiên Chúa một cách đơn giản, cụ thể, sống động, để giúp tín hữu hiểu và sống đức tin. Xét về nội dung thì thần học và giáo lý là một. Nhưng xét về phương pháp, thần học và giáo lý khác nhau. - Thần học trình bày chân lý đức tin theo hệ thống dùng từ ngữ trừu tượng, thiên về ý niệm, và áp dụng phương pháp diễn dịch. - Giáo lý trình bày Tin Mừng theo nhu cầu và khả năng tâm lý của người nghe, dùng hình ảnh và ngôn ngữ cụ thể, hướng về đời sống, và theo phương pháp qui nạp. Do đó, giáo lý phải theo đường lối riêng, không thể trở thành một thứ thần học giản lược, thâu gọn, cô động. [2] Xuất phát từ định nghĩa trên, ta tìm hiểu về nguồn mạch của giáo lý là gì. Giáo lý trình bày lời Thiên Chúa, nhưng phải tìm Lời Thiên Chúa ở đâu? Lời Thiên Chúa được chứa đựng trong 4 nguồn mạch đức tin: - Thánh Kinh: Cựu ước (46 cuốn) và Tân ước (27 cuốn). - Thánh Truyền: một phần mạc khải được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu và trong các giáo huấn của các giáo phụ. - Phụng vụ: những gì Giáo hội sống trong phụng vụ thì cũng thuộc lãnh vực đức tin. - Đời sống của Giáo hội: Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, của các Công đồng, của các Giám mục đoàn, lòng tin của toàn thể dân Chúa cũng là một phần trong kho tàng đức tin của Giáo hội. Đó là những kho tàng chứa đựng Lời Thiên Chúa và là nguồn mạch của đức tin, giáo lý tổng hợp, tóm lược và trình bày nội dung đó. [3] 2. Giáo lý viên nhận thức về chính mình Từ điển Công giáo đã định nghĩa GLV như sau: Giáo lý là học thuyết của tôn giáo; Viên là người. Giáo lý viên là người dạy giáo lý. Giáo lý viên là người cộng tác với mục tử trong việc truyền giáo và huấn giáo: phổ thông, dự tòng, hôn nhân vv. Theo Giáo Luật, giáo lý viên phải được đào tạo và huấn luyện theo từng cấp. Giáo lý viên không những am tường về giáo lý mà còn là nhà giáo dục, gương mẫu trong đời sống nhân bản và đạo đức, để lời nói, việc làm luôn củng cố và phát triển đức tin của mình và của tha nhân (x. GL. 780; 785). Các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân – nhất là giáo lý viên) nếu không ngăn trở chính đáng, thì nên sẵn sàng giúp cha xứ trong việc dạy giáo lý (x. GL 776). [4] Trong khi đó, tài liệu huấn luyện GLV đã trình bày như sau: [5] Giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh chính thức, quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Kitô ủy thác qua Giáo Hội. Vì vậy các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều là những giáo lý viên có trách nhiệm thi hành sứ vụ này. Giáo lý viên không phải chỉ là người dạy, nhưng trước hết phải là một chứng nhân (DGL 9.66), một chứng nhân tình yêu. GLV không phải chỉ là người truyền đạt những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng phải là người truyền thông một kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác giáo lý viên là người luôn tìm cách khám phá ra tình yêu Chúa trong cuộc đời mình cũng như khám phá ra điều gì Chúa đang chờ đợi nơi mình, để nhờ đó dễ dàng giúp người khác tìm gặp và yêu mến Chúa. Trong một xã hội đa tôn giáo và văn hóa, giáo lý viên thường gặp khó khăn là phải đối diện với những tư tưởng, những niềm tin khác biệt, và có cả những chống đối bên trong và ngoài Giáo Hội. Nhưng với cái nhìn đức tin, việc dạy giáo lý mang đến một niềm vui lớn lao: đó là niềm vui được cộng tác với Giáo Hội trong việc đem Chúa đến với các tâm hồn; niềm vui được góp phần nhỏ bé của mình trong việc đổi mới lòng con người và niềm vui được đổi mới chính bản thân mình trong đức tin. 3. Giáo lý viên và sứ mệnh trong Hội thánh Trong cuốn “Sư phạm giáo lý”, LM Nguyễn Văn Tuyên cũng đã đề cập đến hai sứ mệnh chính yếu của người GLV. Tác giả viết như sau: 3.1. GLV thi hành một sứ mệnh chính thức trong Giáo hội Công việc ủy thác cho GLV bên ngoài có vẻ tối tăm, tầm thường, nhưng thực ra là một công cuộc cơ bản, thiết yếu để xây dựng và mở rộng Nước Thiên Chúa. Những việc quan trọng thường được chuẩn bị một cách âm thầm GLV phải tin vào sứ mệnh của mình. 3.2. Đây là một sứ mệnh có tính chất siêu nhiên - Siêu nhiên từ nguồn gốc: Là chính sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Giê-su, Chúa Giê-su trao lại cho Giáo hội, và Giáo hội đã ủy thác lại cho GLV qua Giám mục và Cha sở, “Cũng như Chúa Cha sai Ta thế nào, Ta cũng sai các con như vậy” (Ga 20, 21). - Siêu nhiên trong chủ đích: Sứ mệnh này nhằm sinh Chúa Giê-su Ki-tô và làm cho Ngài lớn lên trong các tâm hồn. Đó chính là sứ mệnh làm mẹ trong đời sống siêu nhiên của Giáo hội mà GLV được tham dự. [6] 4. Giáo lý viên và những vai trò, phẩm chất cần có Chúng ta đều biết rằng, căn cứ vai trò, nhiệm vụ quy định trong Hội thánh thì GLV chẳng những là thầy dạy giáo lý, mà còn là nhà giáo dục đức tin, là chứng nhân tình yêu và Tin Mừng Đức Ki-tô, là nhà truyền giáo nữa. Để thực thi những vai trò này một cách hiệu quả thì GLV cần hội đủ những đức tính và phẩm chất căn bản như có đức tin vững mạnh, có lòng mến dồi dào, có lòng đạo đức nhiệt tình, có lòng quảng đại, biết hy sinh, khiêm tốn, hiền hòa, nhạy bén cộng với sự thành thạo những kỹ năng cần thiết như kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền thông, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sinh hoạt nhóm vv. Ở đây, ta chỉ bàn qua một số phẩm chất chính yếu liên quan đến vai trò của GLV, đó là thầy dạy, người giáo dục đức tin, chứng nhân Tin Mừng và nhà truyền giáo. 4.1. GLV là thầy dạy Có thể nói, GLV trước hết là người thầy đứng lớp dạy giáo lý cho học viên. Người thầy có thể là linh mục, tu sĩ nam nữ hay tín hữu giáo dân. Người thầy thì phải là nhà mô phạm, là mẫu gương cho học viên. Vì là người thầy tức là người truyền đạt kiến thức cho học viên, chúng ta không thể không thông hiểu những gì mình dạy. Người ta chỉ có thể cho những gì mình có. Do đó, GLV cần nắm vững được nội dung giáo lý, tức là toàn bộ Tin Mừng, mà trung tâm là mầu nhiệm và công cuộc cứu rỗi của Chúa Ki-tô. Do vậy, GLV cần được đào tạo và bồi dưỡng liên tục về chính nội dung giáo lý. Đây là một cuộc đầu tư và là món nợ mà các linh mục phải trả sòng phẳng với cộng sự viên của mình. [7] Mặt khác, vì là nhà giáo, chúng ta cũng phải hội đủ những kiến thức về tâm lý và sư phạm nữa. Thực vậy, muốn Lời Thiên Chúa đạt hiệu năng tối đa, ta còn cần chú trọng đến nhu cầu tâm lý, khả năng tiếp nhận, lối cảm nghĩ của người nghe Lời Thiên Chúa. GLV phải hiểu tâm lý người nghe để tìm đường lối cụ thể và thích hợp nhất làm cho Lời Thiên Chúa trở nên linh động, thấm sâu vào lòng người. [8] Bên cạnh đó, nên lưu ý điều này là dù chúng ta có tài giỏi đến mấy đi nữa nhưng con người và đời sống của chúng ta chưa là gương sáng thì lời dạy của chúng ta không mang lại hiệu quả gì. Người ta thường nói, “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo” (hay “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”). Chẳng hạn khi chúng ta yêu cầu học viên đúng giờ thì chúng ta cũng phải nghiêm túc trong giờ giấc. Khi chúng ta khuyên học viên ngay thẳng thật thà thì chúng ta không được sống và cư xử giả dối, lươn lẹo. Khi chúng ta muốn các học viên phải đối xử tử tế với nhau thì chúng ta cũng phải tỏ ra có thiện cảm và yêu mến các học viên, không phân biệt đối xử, không thù ghét và gây bất hòa chia rẽ. Khi chúng ta khuyến khích học viên siêng năng học tập, rèn luyện kiến thức, nâng cao kỹ năng học tập, thì chúng ta phải tích cực trau dồi những điều ấy làm sao để hướng dẫn và giúp học viên càng ngày càng tiến bộ hơn. Thực vậy, GLV là người thầy của các em không chỉ trong việc giáo dục đức tin mà cũng là thầy trong phương diện nhân bản nữa. Khi tập cho các em các đức tính nhân bản như trung thực, dũng cảm, trách nhiệm, cao thượng, nhân hậu, dấn thân… thiết nghĩ, bản thân người GLV nêu gương sống và thực hành các đức tính này ngay trong những buổi lên lớp của mình qua việc chuyên cần, đúng giờ, soạn bài nghiêm túc, chuẩn bị lên lớp cách cẩn thận, có trách nhiệm trong giờ học (giờ dạy). Và quan trọng hơn hết là người GLV bày tỏ cho các em thấy được tâm tình tin kính (với Thiên Chúa) của mình qua cử chỉ, cung cách, sự trang nghiêm khi cầu nguyện, khi đọc Lời Chúa, khi đi đứng trong nhà thờ vv. [9] 4.2. GLV là người giáo dục đức tin Chúng biết rằng, GLV không chỉ đóng khung trong vai trò thầy dạy kiến thức mà thôi, nhưng hơn nữa còn là nhà giáo dục đức tin nữa. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Muốn truyền đạt đức tin cho học viên thì chính bản thân chúng ta phải là người có đức tin sống động và thiết thực. Quả vậy, GLV phải có một đức tin sống động. Bởi vì chỉ ai có kinh nghiệm bản thân về Thiên Chúa, mới có thể đưa anh em mình đến với Thiên Chúa. Một kiến thức chuyên môn của viên kỹ sư không nhất thiết phải ăn khớp với hạnh kiểm của ông. Nhưng trái lại, một GLV không thể truyền đạt giáo lý, nếu không sống chính điều mình truyền dạy, bởi vì giáo lý không phải là một kiến thức suông, mà là một sức sống. Lời Chúa mà chúng ta truyền dạy không phải là văn tự chết trong sách, nhưng được thấm nhập vào cuộc đời của người giảng, và nhờ ơn thánh, trở nên sống động để đến với người nghe. Trước khi là thầy dạy, GLV phải là chứng nhân đã. Vì thế, chúng ta phải luôn cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho mình qua việc cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và nỗ lực sống điều mình tuyên xưng. [10] 4.3. GLV là chứng nhân Tin Mừng Như trên đã nói [5], GLV không phải chỉ là người dạy, nhưng trước hết phải là một chứng nhân (DGL 9.66), một chứng nhân tình yêu cứu độ. GLV không phải chỉ là người truyền đạt những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng phải là người truyền thông một kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác GLV là người luôn tìm cách khám phá ra tình yêu Chúa trong cuộc đời mình cũng như khám phá ra điều gì Chúa đang chờ đợi nơi mình, để nhờ đó dễ dàng giúp người khác tìm gặp và yêu mến Chúa. Muốn làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Ki-tô thì chúng ta phải sống Tin Mừng trước đã. Sống Tin Mừng là đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh vào trong đời mình. Như thánh Phao-lô đã xác tín, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Khi có Chúa trong đời mình, chúng ta an tâm, vui mừng vì đã được ơn tha thứ, được ơn bình an, được hưởng những hoa quả của Thần Khí, được hạnh phúc làm con cái Thiên Chúa. Lúc đó Chúa chính là sự sống của ta, và nhờ đó ta có thể chia sẻ sự sống ấy cho tha nhân. Sống Tin Mừng là chúng ta hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, đó là sự chọn lựa ưu tiên hàng đầu trong đời sống đức tin của mình. Sống Tin Mừng là chúng ta biết chú tâm lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đối với người Ki-tô hữu chân chính, thì việc lắng nghe Lời Chúa luôn kèm theo việc thi hành Lời Chúa. Không thực hành Lời Chúa thì tất cả chỉ là ảo tưởng, là xây nhà trên cát. Thậm chí không thể nói là đã hiểu Lời Chúa, vì như thánh Grê-gô-ri-ô Cả đã viết, “Người ta chỉ thực sự hiểu Lời khi bắt đầu đem ra thực hành”. GLV luôn là người quan tâm giúp học viên tích cực đọc, suy niệm và thực thi Lời Chúa. Sống Tin Mừng là khi chúng ta luôn giữ được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Đồng thời cũng lan tỏa niềm vui và bình an ấy đến với mọi người. Chúng ta thực sự trở thành tin vui, tin mừng cho tha nhân. Bởi vì sức hút nơi người tông đồ là niềm vui có Chúa. ĐTC Phan-xi-cô nhân ngày Thế giới Truyền giáo, đã thổ lộ tâm tình của mình với các nhà truyền giáo như sau: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em” (Sứ điệp truyền giáo năm 2014). Sống Tin Mừng đòi hỏi chúng ta tích cực thi hành lòng mến Ki-tô giáo. Đó là cách chúng ta làm chứng tá Tin Mừng Đức Ki-tô và là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất. Muốn trở nên người tông đồ thực thụ vì chan chứa niềm vui, người được sai đi loan báo Tin Mừng phải gặp gỡ thân tình với Đức Kitô, cảm nghiệm được ơn gọi và sứ vụ cao quý của mình, và phải yêu mến những người mà mình có cơ hội tiếp xúc, dạy dỗ. 4.4. GLV là nhà truyền giáo Do sứ vụ đặc thù của mình, GLV cũng còn được gọi là nhà truyền giáo nữa. Khi dạy giáo lý, đó là chúng ta đang truyền giáo. Trong Lời Chủ Chăn với chủ đề “GLV anh chị em là ai?”, thuộc bản tin Liên Lạc GP Phan Thiết, số 7-2011, Đức cố GM Giuse Vũ Duy Thống đã chia sẻ như sau: Trong Giáo Hội xét như sứ vụ, GLV là nhà truyền giáo. Theo lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, ngày xưa các thừa sai đến đâu thì việc đầu tiên các ngài làm là giảng dạy giáo lý và kêu gọi sám hối rồi cử hành nghi thức rửa tội, khiến từ đó việc truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy giáo lý, để hôm nay ta có quyền nói: giảng dạy giáo lý một cách nào đó cũng là hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo và hoạt động huấn giáo có thể được hình dung như hai bước chân trước sau của cùng một nhịp đi. Có người phân biệt cách chí lý rằng: truyền giáo là nhằm rửa tội những người biết sám hối; còn huấn giáo là nhằm sám hối những người đã rửa tội rồi. Có người khác lại chia sẻ cách đơn giản hơn: truyền giáo ban đầu là dùng giáo lý đem Chúa đến cho người ta; còn tái truyền giáo là dùng giáo lý đem người ta trở về với Chúa. Cả hai cách phát biểu đều hay và đẹp, nhưng điều muốn ghi nhận ở đây là mối tương quan không thể tách rời giữa truyền giáo và huấn giáo. Truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội. Không phải vì có Giáo Hội nên mới có sứ vụ truyền giáo, mà ngược lại, vì đã có sứ vụ truyền giáo nên mới có Giáo Hội để tổ chức thi hành. Vì Giáo Hội là truyền giáo, mà truyền giáo và huấn giáo bước song hành, nên tham gia công tác huấn giáo, giảng dạy giáo lý cũng là cộng tác vào công cuộc truyền giáo tại giáo xứ, cho có thêm người biết Chúa, biết tin nhận Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa hơn. Vâng, trong Giáo Hội sứ vụ, anh chị em GLV là những nhà truyền giáo đấy. Vậy anh chị em hãy luôn ghi nhớ khía cạnh sứ vụ này của Giáo Hội, để công tác huấn giáo của anh chị em được chu đáo và nâng cao, không chỉ bằng giáo án khúc chiết mà còn bằng chứng tá đức tin hằng ngày nữa. Giáo lý không chỉ được giảng dạy bằng lời nhưng còn bằng chính đời sống gương mẫu của GLV. [11] 5. Giáo lý viên và nhu cầu về đào tạo Việc đào tạo, huấn luyện GLV luôn là mối bận tâm lớn của các đấng bậc trong Hội thánh. Nhiều người nhận định rằng tình trạng GLV hiện nay vừa mỏng về số lượng lại vừa đuối về chất lượng. Đó là một thực tế đáng ta suy nghĩ. Chúng ta thử nêu vài ý kiến tham khảo sau: - Thư chung của các Giám Mục năm 2011 viết như sau: “Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên”. [12] - Tại Đại Hội Dân Chúa VN năm 2010, GLV Tổng Giáo phận Saigon cũng đã có bài tham luận trong đó bày tỏ ước vọng liên hệ tới việc huấn luyện GLV như sau: “Trong thời gian vừa qua, số lượng GLV trẻ gia tăng đáng kể nhưng còn thiếu kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, thiếu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Chúng con đề nghị Giáo Hội tích cực quan tâm đến việc đào tạo lực lượng GLV chuyên sâu ở mọi lứa tuổi: người trẻ, người trung niên và cả người lớn tuổi”. Bài Tham luận còn đi xa hơn nữa về vấn đề cơ cấu huấn luyện GLV khi phát biểu: “Cuối cùng, chúng con đề nghị mau chóng có một sự thống nhất về cấu trúc, chương trình và những chuẩn mực của các lớp Giáo Lý nói riêng và các hoạt động mục vụ giáo lý nói chung, để tránh sự khác biệt khi áp dụng giữa các giáo xứ như hiện nay”. [12] - Trong bài viết có tựa đề “Chân dung giáo lý viên hôm nay” [13], các tác giả đã tổng hợp và đưa ra một số nhận định rất cụ thể và chi tiết, xin được trích dẫn vài đoạn, như sau: Về tình hình GLV hiện nay: Thiếu giáo lý viên được huấn luyện đúng mức. Trong khi lực lượng tu sĩ tham gia giảng dạy giáo lý - mà đa số là nữ tu - thường được huấn luyện về giáo lý cũng như sư phạm, thì không phải mọi GLV khác đều được huấn luyện đầy đủ để thi hành công tác này.
Điều đáng suy nghĩ là hình như chưa có giáo phận nào ở Việt Nam có được một trường hay trung tâm huấn luyện GLV chính danh. Bù đắp lại có chăng là đây đó có được những khóa huấn luyện mà nội dung chương trình, thời hạn đào tạo cũng rất đa dạng tùy nơi, tùy thời và tùy hoàn cảnh. Riêng ở Tổng Giáo phận Saigon, từ khoảng năm năm trở lại đây, Tòa TGM đã liên tiếp tổ chức các khóa huấn luyện GLV dành cho các giáo xứ trong TGp, mà ứng viên được chọn trong những người trẻ tình nguyện từ các giáo xứ, với chương trình huấn luyện gồm có ba cấp cơ bản và những khóa chuyên sâu nhằm thỏa mãn nhu cầu dạy giáo lý cho nhiều loại đối tượng khác nhau. Mỗi khóa có cả ngàn người được huấn luyện. Các Giáo phận khác cũng càng ngày càng có những nỗ lực tương tự. Khi chưa tổ chức được một cách quy mô cho cả Giáo phận, thì cũng có những khóa do từng hạt hay từng liên xứ tổ chức, nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện tổ chức. Tại một số giáo xứ, đặc biệt tại các giáo xứ lớn có đông giáo dân, cha xứ có thể tự huấn luyện GLV cho nhu cầu mục vụ của giáo xứ mình. Nhưng cũng có nhiều giáo xứ không làm được điều này. Có nhiều khi cha xứ chỉ việc chọn lựa dăm ba giáo dân có uy tín trong giáo xứ, không có một sự chuẩn bị đặc biệt nào khác, để phụ giúp ngài trong việc này khi có nhu cầu. Giáo xứ nào may mắn có được những giáo lý viên vốn là cựu chủng sinh hay cựu tu sĩ có đầy đủ khả năng cho công việc và vẫn còn nhiệt tình tham gia giảng dạy thì trách vụ của mục tử nơi đó được nhẹ bớt rất nhiều. Ngoài ra, cũng có những giáo dân tuy không qua những khóa đào tạo chính quy nào, nhưng đã theo học những lớp Thần học cơ bản, những lớp Kinh Thánh vv… hoặc tự trau dồi bằng những sách giáo lý và tài liệu của Giáo hội, sẵn sàng chia sẻ công việc này với cha xứ khi có yêu cầu. Bởi lý do nhiều nơi, nhiều lúc, thiếu sự huấn luyện đúng mức, nên không ít GLV chưa làm đúng chức năng của mình, mới chỉ làm công việc truyền thụ kiến thức về đạo Chúa, chuẩn bị một cách máy móc cho thụ nhân chịu các bí tích, hơn là giáo dục đức tin. Việc dạy giáo lý nhiều khi chỉ quen với lối truyền thụ cổ điển, không có chỗ cho phản hồi, trao đổi, đối thoại, không dành thời gian cho học viên nêu câu hỏi hay đưa ra những thắc mắc, vì thế lớp học thiếu sinh động, học viên thiếu tích cực, nếu không muốn nói là hoàn toàn thụ động, không chịu động não, không có sự thấu hiểu, đón nhận cần thiết.
Việc dạy giáo lý thường chỉ thu vào thời gian trong lớp học, không chú ý đến việc thực hành, tức là tập thể hiện trong đời sống những điều đã được truyền đạt. Có khi GLV lại dạy rất tùy hứng, thiếu chuẩn bị, nhiều khi lại còn thiếu quan tâm đến sự khác biệt về tuổi tác, trình độ, não trạng, hoàn cảnh của các đối tượng, việc giảng dạy thiếu chiều sâu, nên không đạt được kết quả mong muốn, không giữ được kết quả lâu dài. Bởi tuy Tin Mừng đã được loan báo, nhưng chưa thực sự cảm nhận, người học chưa có xác tín, nên chưa thực sự biến đổi. Xét cho cùng, điều quan trọng là cần có sự huấn luyện thích đáng: đó là điều Huấn Quyền luôn đòi buộc, vì “nếu không được đảm nhận bởi những người có đào tạo, mọi hoạt động tông đồ chắc chắn sẽ thất bại”. Để được như vậy, sự huấn luyện phải có tính “toàn diện”, nghĩa là bao gồm mọi chiều kích của nhân cách GLV, và “chuyên biệt”, nghĩa là phù hợp với các đặc tính của công việc mà mỗi giáo lý viên tùy trường hợp được giao phó. Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã khẳng định : “Ưu tiên cho chất lượng, nghĩa là ưu tiên cho việc huấn luyện căn bản thích hợp và việc cập nhật hóa luôn luôn. Để bảo đảm cho sứ vụ của Giáo Hội có nhân sự xứng hợp, cốt thiết phải có chương trình đầy đủ và cơ chế thích hợp để đảm nhận việc huấn luyện giáo lý viên về các mặt: từ huấn luyện nhân bản đến huấn luyện thiêng liêng, tín lý, tông đồ và chuyên môn” ./. Tác giả: admin Ý kiến bạn đọc
Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận
Những tin cũ hơn |